Nghe thì có thể vô lý nhưng thực ra điều này hoàn toàn hợp lý trong cơ chế phòng vệ tâm lý của chúng ta. Tâm lý phòng vệ cảm xúc bằng cách phóng chiếu các suy nghĩ của bản thân lên người khác: hành vi chỉ trích lỗi lầm của người khác, thậm chí còn luôn muốn “giúp” người khác chỉ ra điều gì sai và nên làm gì để khắc phục.
Cơ chế phòng vệ phóng chiếu từ bản thân mình sang người khác được đề ra đầu tiên bởi nhà phân tâm học Sigmund Freud – ông giải thích rằng người ta nghĩ người khác có lỗi vì họ cảm thấy tội lỗi chính ở bên trong mình. Người ta đối phó với những cảm xúc không mong muốn và thái độ khó chịu, khó chấp nhận bằng cách nghĩ rằng những điều đó đến từ người khác: Để bảo vệ cái Tôi (Ego) của bản thân. Ta luôn nghĩ bố mẹ sẽ giận dữ và khó chịu với mình – bởi chính ta đang giữ thái độ hằn học và không thoải mái với họ.
Họ đánh giá và soi mói những điều tích cực, tiêu cực của người khác một cách đầy nhiệt thành. Dường như họ đang lấy đối phương như 1 tấm gương phản chiếu toàn bộ những ước muốn thầm kín bên trong mình. Kể cả đó là những ước vọng tốt đẹp như việc tìm kiếm một người yêu giống như cha mẹ họ hoặc một thần tượng nào đó của họ, cho đến việc họ phản chiếu lên đối phương những ước vọng đầy tiêu cực như sự chán ghét tính lười biếng của bản thân thế là họ luôn nhận xét đối phương về chuyện này.
Thật vậy, con người thực sự bên trong mỗi chúng ta đều được che chắn rất kỹ lưỡng bởi những chiếc áo khóa xã hội, chiếc áo đó là luật sư, giáo viên, công an hay một tên tội phạm. Do vậy, giả dụ thuở ấu thơ bạn là một đứa trẻ có tính cách mềm mỏng, nhu hòa nhưng chịu sự bắt nạt học đường hoặc bạo lực gia đình rồi dần dần họ bắt đầu trở nên nóng nảy, tấn công người khác bởi họ phóng tầm nhìn thế giới đâu đâu cũng là những con người thù hận và bạo lực do đó họ bắt đầu chống đối mọi thứ. Đa phần, nhiều người không hiểu vì sao bản thân lại như hiện tại, bởi họ chưa từng thực sự biết rằng đó là cơ chế phóng chiếu của tâm lý nhằm giúp bảo vệ sự cân bằng tâm lý cho bản thân.
Cho nên nó đặt ra một vấn đề, chúng ta có những người có hành vi tốt là vì họ chọn những cơ chế phòng vệ tích cực hơn hoặc tìm đến những phương pháp bảo vệ cảm xúc tốt hơn sau khi đã trải qua những tổn thương từ những vết thương cũ. Còn có những người vẫn luôn làm điều xấu, hãm hại người khác hay vô tình làm tổn thương người khác mà lại tự cho mình đúng, chính là họ đang không biết bên trong mình có những nỗi lo, nổi tủi nhục không dám cho ai biết.
Vậy tại sao người ta lại luôn có xu hướng chỉ trích và chê trách người khác?
Theo một nghiên cứu tâm lý về cơ chế tâm lý của Vailant,G.E (2011), trong đó projection hay sự phóng chiếu bao gồm một loạt những suy nghĩ và thái đô mà một người soi chiếu từ bản thân mình lên người khác. Có nhiều cách phóng chiếu khác nhau (nghĩ rằng người khác cũng nghĩ giống mình, nghĩ rằng người khác cũng làm được những điều giống mình…)
Một nghiên cứu tâm lý từ Neal và Lemay từ Đại học MaryLand về vấn đề ghen tị và nghi ngờ trong tình yêu. Nghiên cứu được thực hiện trên khoảng 100 nam thanh nữ tú yêu nhau và tìm ra rằng: những người càng thể hiện đồng thuận cao với câu hỏi “bản thân họ có cảm tình hoặc đánh giá cao người khác giới khác” thì sẽ tỉ lệ thuận với những suy nghĩ nghi ngờ. Nói cách khác, những người có suy nghĩ mờ ám sẽ thường nghĩ rằng người yêu họ cũng có ý nghĩ mờ ám như mình, còn những người không nghĩ đến ai khác thường tin rằng đối phương cũng làm điều tương tự. Đây là một nghiên cứu có tính chỉ báo rất hay.
Ngoài ra trong tâm lý học còn có một điều gọi là “motivated cognition” – nhận thức có động cơ và có lựa chọn – là khi ta cố tình cho ra những kết luận về một vấn đề nào đó khiến ta cảm thấy tốt và thoải mái hơn (Madan,2017). Điều này phản ánh thực tại gì? Đó là khi một người lỡ có cảm tình hoặc thích ngắm nhìn người khác giới không phải người yêu hoặc vợ, thì trong nhận thức của họ thiết lập một trạng thái niềm tin rằng đối phương của họ cũng đang làm điều tương tự như họ, hiệu ứng motivated cognition giúp chúng ta giảm cảm giác tội lỗi. Ví dụ trong cuộc sống tương đối nhiều để phản ánh hiệu ứng tâm lý này như một người sếp luôn nghi ngờ nhân viên đang nói dối về thời gian bạn làm việc ở văn phòng hay số thời gian làm việc quá thời gian hay không? Trong khi chính ông ấy là người thường rời khỏi phòng sớm và chậm trễ deadlines. Hay đơn thuần khi bạn không thích một ai đó, bạn nghĩ rằng họ cũng không ưa gì bạn.
Tại sao người ta lại phóng chiếu tâm lý của bản thân như vậy?
Những người sử dụng cơ chế phòng vệ tâm lý này đem suy nghĩ tiêu cực và vấn đề của bản thân đẩy lên người khác để chối bỏ trách nhiệm với những điều tồn tại bên trong mình, Một khi đem những cảm giác khó chịu đó gắn lên người khác, họ như chối chối bỏ được một phần gánh nặng của bản thân, từ đó như được thở phào nhẹ nhõm. Ví dụ: như khi bên trong người đó rõ ràng đang cảm thấy mình nhút nhát, không dám làm một điều gì đó. Thay vì thay đổi bản thân hoặc nhận ra nét khuyết đó, họ sẽ nói những người khác rằng chính người đó mới là kẻ hèn nhát không dũng cảm.
Luôn có những tảng băng chìm ẩn sau sự chỉ trích của một người, ví dụ như: một ai đó có lẽ thích điều khiển người khác phải làm theo mình để đạt được cảm giác bản thân có khả năng gì đó, từ đó cảm nhận được giá trị bản thân, họ cảm thấy thiếu an toàn, không tự tin bên trong, họ thấy sợ hãi sự ưu tú của người khác, họ muốn tìm kiếm sự chú ý từ người bị chỉ trích nhưng họ biết họ không có khả năng đó – nên họ thấy chán ghét, họ cảm thấy hành vi của người khác làm họ tổn thương hoặc đe dọa cảm giác yên bình của họ.
Mỗi người chúng ta đều mang theo một số lượng cảm xúc từ quá khứ nhất định, có những câu chuyện mà ta thấu tỏ, có một số chuyện bị chôn vùi dưới tầng tầng vô thức.
Việc soi chiếu lại này có thể bùng lên bất kỳ tình huống nào, với bất kỳ mối quan hệ nào nhằm bảo vệ lòng tự trọng của mình. Họ phủ nhận những đặc điểm, nét đặc trưng, những nhận dạng làm mình sợ hãi hoặc chán ghét nhưng lại luôn cố gắng tìm kiếm hoặc chứng minh nó tồn tại ở người khác.
….
Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tâm lý và nghiên cứu chuyên sâu, chúng tôi tự hào là Trung tâm tư vấn và trị liệu uy tín, chất lượng tại Hà Nội. Khi bạn gặp bất cứ khó khăn nào về tâm lý, vui lòng liên hệ: Trung tâm Can thiệp và trị liệu Tâm lý Smile
Số 3 ngõ 169 đường Trung Văn – Phường Trung Văn – Nam Từ Liêm – Hà Nội
Hotline: 0971218523
Website:tamlysmile.com
Mail: thamvantrilieutamlysmile@gmail.com